Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

Cha Phanxicô X. Trương Bửu Diệp: Một mẫu gương mục tử sống chết vì đoàn chiên

Ai đã từng đến du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có lẽ sẽ không thể bỏ qua một điểm hành hương nổi tiếng : GX Tắc Sậy. Từ những năm của thập niên 1980 trở đi, hằng năm cứ vào những ngày 11 và 12 tháng 3, dòng người lương giáo từ các nơi tuôn về GX Tắc Sậy.
Trên nhiều chiếc xe đò chở khách người ta còn có thể thấy hình một vị linh mục mặt vuông chữ điền rất dễ mến. Họ đến Tắc Sậy để kỷ niệm lễ giỗ của một vị linh mục có tên là Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.

Sống chết vì đoàn chiên
Vào tháng 3 năm 1930, ngài về nhậm họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở tại đây, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như : Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.
Theo lời kể của ông Giacôbê Huỳnh Văn Lập 76t, ngày xưa còn là chú bé giúp lễ ở với cha (ông Ba Lập hiện vẫn còn sống ở tại Tắc Sậy) thì cha Diệp rất hiền nhưng khi giảng thì có những lúc giọng cha rất hùng hồn và mạnh mẽ, lại có những lúc lại rất êm đềm. Cha cũng rất thương người nghèo: ông còn nhớ khi có những người nghèo đói bất kể lương giáo hay người lỡ đường cha đều kêu vào rồi mở lẫm lúa cho họ lấy lúa đem ra xay giã lấy gạo (vì lúc đó không có nhà máy xay lúa như bây giờ).
Hoàn cảnh xã hội đang nhiễu nhương vì chiến tranh giữa Nhật và Pháp, dân chúng nhiều người di tản. Cha Bề trên giáo phận Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu kêu gọi ngài đi lánh mặt ; người Pháp 3 lần đem xe đến rước, khuyên ngài tạm lánh khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời : “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”
Vào ngày 12-3-1946, ngài bị Nhật bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy, tất cả cùng bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Cũng theo lời kể của ông Ba Lập thì họ chất rơm chung quanh tính đốt hết tất cả, nhưng cha Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam. Cha khuyên giáo dân ăn năn tội và giải tội cho họ. Cha bị mời đi làm việc 3 lần và lần thứ ba thì không thấy trở về nữa. Sau khi cha bị mời đi lần thứ ba bổn đạo thấy cửa lẫm để mở ngỏ và họ đã trốn thoát.
Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác ngài từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chuá Giêsu trên thập giá. Thi hài ngài được vớt lên và chôn cất trong phòng thánh của nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ sau đó của ngài, được trùng tu và khánh thành vào ngày 4-6-1989. Ngài là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.
Chứng nhân Đức Ái
Lễ giỗ đầu đầu tiên do cha Antôn Vũ Xuân Vinh tổ chức năm 1979 với thành phần tham dự đến từ những họ đạo ở chung quanh (chỉ khoảng chừng 30 người). Nhưng dần dần số người nhận được ơn lành nhờ lời bầu cử của cha Diệp ngày càng nhiều và họ đổn thổi về sự hiển linh của ngài, nên rất đông đảo người lương cũng như giáo trong nước và cả ngoài nước đều tuôn về Tắc Sậy để cầu khấn với ngài. Số khách hành hương trong ngày lễ giỗ ngày càng tăng lên, con số lên đến hàng chục ngàn người và không chỉ trong ngày lễ giỗ mà còn thường xuyên trong năm vẫn có những người đến đây hành hương. Vì thế kể từ 21-01-1997 Đức Giám mục Cần Thơ đã chính thức thành lập Trung tâm Truyền giáo Phanxicô tại Tắc Sậy.
Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận dâng lễ khởi công xây dựng thánh đường Tắc Sậy vào ngày 24.02.2004, thời cha sở GB. Trần Đức Hùng.
Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên đã cử hành nghi thức long trọng di hài cốt của cha đến vị trí hiện nay ngày 04.03.2010, và Cung hiến Thánh Đường Tắc Sậy ngày 03.12.2010, thời cha sở Gioan B. Nguyễn Thanh Bình.
Từ nơi đây rất nhiều người đã nhận được những ơn lành phần xác cũng như phần hồn.
Nếu ngày xưa ngài đã vì thương đoàn chiên mà sẵn sàng sống chết vì họ thì ngày nay ngài lại trở thành chứng nhân của Đức Ái qua biết bao nhiêu ơn lạ nhờ lời bầu cử của ngài cho tất cả những ai chạy đến với ngài.
Vận động suy tôn chân phước Cha FX. Trương Bửu Diệp
Việc xin phong Chân phước cho cha Trương Bửu Diệp đã được Đức giám mục Cần Thơ trình bày với Hội đồng Giám mục Việt Nam cách nay vài năm, nhân dịp HĐGMVN tiến hành xin suy tôn Chân phước cho hai giám mục tiên khởi tại Việt Nam : GM Lambert de la Motte và GM François Pallu.
Ngày 25.08.2011, Đức giám mục Cần Thơ Stêphanô Tri Bửu Thiên, bổ nhiệm linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên, gốc giáo phận Cần Thơ, hiện là Chưởng Ấn giáo phận St. Paul, Alberta, Canada, làm Cáo Thỉnh Viên cho vụ án tuyên Thánh Cha FX Trương Bửu Diệp.
TẬN HIẾN CUỘC ÐỜI CHO THIÊN CHUÁ,
HY SINH KIẾP SỐNG GIÚP CON NGƯỜI.
SỐNG HIẾN THÂN PHÓ THÁC,
CHẾT NÊU GƯƠNG SÁNG NGỜI
MỘT ÐỜI DÂNG HIẾN,
TRỌN KIẾP VINH QUANG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét